Bối cảnh Kinh_tế_Trung_Quốc

Từ năm 1949, Trung Quốc đã theo đuổi một chiến lược phát triển công nghiệp nặng xã hội chủ nghĩa (hay chiến lược Cú hích Lớn theo cách gọi của kinh tế học). Ưu tiên công nghiệp hóa đồng thời triệt để tiết giảm tiêu dùng theo chính sách "thắt lưng buộc bụng" để tập trung các nguồn lực cho công nghiệp hóa. Chính phủ đã giữ quyền kiểm soát một phần lớn nền kinh tế và chuyển các nguồn lực sang xây dựng các nhà máy. Nhiều ngành mới đã được tạo lập. Kinh tế tăng trưởng mạnh[19]. Việc kiểm soát chặt ngân sách và cung tiền tệ đã làm giảm lạm phát cuối năm 1950.

Năm 1952, tổng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc ước tính là 34.900 triệu Nhân dân tệ[20] theo tỷ giá hối đoái thực tế, nghĩa là bằng 3% tổng sản lượng công nghiệp thế giới lúc đó và gấp 1,5 lần của Nhật BảnẤn Độ theo giá trị tuyệt đối (không theo giá trị bình quân đầu người). Trong khoảng giữa thập niên 1950 (năm 1957), những chính sách đầy tham vọng của Mao Trạch Đông về Đại nhảy vọt nhằm tập trung hóa sản xuất tại các vùng nông thôn, sự chấm dứt viện trợ tái thiết và phát triển từ phía Liên Xô, sự thô sơ của hệ thống quản lý sản xuất, sự tàn phá của thiên tai đã khiến nền kinh tế lâm vào nguy ngập, nạn đói. Hậu quả là kinh tế suy thoái, nông nghiệp bị tàn phá, công nghiệp ngưng phát triển, trên 20 -30 triệu người đã chết vì những nguyên nhân phi tự nhiên.[21] Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái trong 10 năm Cách mạng văn hóa.

Trong thập niên tiếp theo, tăng trưởng kinh tế bắt đầu diễn ra mạnh mẽ theo những cải tổ từng bước từ phía chính quyền trung ương. GDP bình quân đầu người vào thời điểm đó[22] tăng trưởng từ tốc độ không đáng kể vào thập niên 1960 lên 70% vào thập niên 1970; Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ và đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kể 63% vào thập niên 1980 và đạt đỉnh điểm với mức 175% vào thập niên 1990. Tuy nhiên, sự thịnh vượng của Trung Quốc vẫn tập trung vào các tỉnh duyên hải và các tỉnh phía Nam vì Trung Quốc phát triển kinh tế theo chiến lược tập trung các nguồn lực để phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng và các thành phố lớn, các tỉnh duyên hải làm đầu tàu kéo toàn bộ nền kinh tế phát triển sau đó mới chú trọng đến các khu vực nội địa kém phát triển hơn. Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã có các nỗ lực trong việc mở rộng sự phát triển đến các tỉnh ở sâu trong nội địa và vùng Đông Bắc.

Vào thập niên 1980, Trung Quốc đã cố gắng kết hợp các cải tổ kế hoạch hóa tập trung với định hướng thị trường để tăng năng suất, mức sống và chất lượng công nghệ mà không làm tăng lạm phát, thất nghiệp, và thâm hụt ngân sách. Chính phủ đã theo đuổi chính sách cải cách nông nghiệp, xóa bỏ chế độ công xã và áp dụng chế độ khoán đến hộ gia đình, cho người nông dân quyền quyết định lớn hơn trong nghề nông, đồng thời cũng khuyến khích các ngành phi nông nghiệp như các xí nghiệp hương trấn ở vùng nông thôn, tăng cường quyền tự chủ trong các doanh nghiệp quốc doanh, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp xúc giữa các doanh nghiệp Trung Hoa đại lục với các doanh nghiệp thương mại nước ngoài. Trung Quốc cũng dựa nhiều hơn vào các nguồn tài chính nước ngoài và nhập khẩu. Trung Quốc có thị trường nội địa khổng lồ với hơn một tỷ dân. Đây là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển, cũng là yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã phát biểu ngày 30 tháng 6 năm 1984:

Chủ nghĩa xã hội là gì? Chủ nghĩa Marx là gì? Trước đây chúng ta hoàn toàn không hiểu rõ. Chủ nghĩa Marx gắn liền tầm quan trọng tột cùng việc phát triển các lực lượng sản xuất. Chúng ta nói rằng chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cộng sản đến giai đoạn phát triển cao của nó thì nguyên tắc làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu sẽ được áp dụng. Điều này đòi hỏi phải có các lực lượng sản xuất phát triển và của cải vật chất dồi dào. Do đó, nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn Chủ nghĩa xã hội là phát triển các lực lượng sản xuất. Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa được chứng tỏ, nếu phân tích cuối cùng cho thấy là các lực lượng này phát triển nhanh hơn và to lớn hơn so với chế độ tư bản chủ nghĩa. Khi các lực lượng sản xuất này phát triển, đời sống văn hóa và vật chất của nhân dân sẽ luôn luôn được cải thiện. Một trong bốn thiếu sót sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chúng ta đã không chú ý đầy đủ tới việc phát triển các lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa xã hội có nghĩa là xóa bỏ nghèo khó. Sự bần cùng không phải là chủ nghĩa xã hội, càng không phải là chủ nghĩa cộng sản.[23]

Trong thập niên 1980, các cải cách này đã giúp cho sản lượng nông nghiệp và công nghiệp hàng năm đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 10% hay hơn. Thu nhập thực tế bình quân đầu người ở nông thôn đã tăng gấp đôi. Ngành công nghiệp đã đạt được thành tựu lớn đặc biệt ở các khu vực duyên hải gần Hồng Kông và khu vực đối diện với eo biển Đài Loan, những nơi mà vốn đầu tư nước ngoài đã giúp thúc đẩy sản lượng của cả hàng hóa nội địa và hàng xuất khẩu. Trung Quốc đã trở thành một nước tự túc được về ngũ cốc; các ngành công nghiệp ở nông thôn đã chiếm 23% sản lượng nông nghiệp, giúp thu hút lực lượng lao động ở vùng quê. Lượng hàng tiêu dùng và công nghiệp nhẹ đã tăng lên. Các cuộc cải cách đã được bắt đầu trong các hệ thống tài chính công, tài chính, ngân hàng, định giálao động.

Nền kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc, một nền kinh tế hỗn hợp giữa kế hoạch và thị trường trong đó khu vực nhà nước và tư nhân cùng tồn tại song song chứa đựng nhiều mặt trái của nền kinh tế kế hoạch như quan liêu, quyền sở hữu tư nhân chưa được tôn trọng và các mặt trái của chủ nghĩa tư bản như thu nhập bất thường, phân hóa giàu nghèo, lạm phát tăng cao. Những căng thẳng kinh tế cùng những tác động xấu về mặt chính trị khiến Bắc Kinh quay về đường lối cũ, tái thắt chặt kiểm soát của Trung ương trong những khoảng thời gian nhất định. Cuối năm 1988, để đối phó một làn sóng lạm phát do các cải tổ về giá gia tăng gây ra, chính quyền đã áp dụng một chương trình khắc khổ.

Kinh tế Trung Quốc đã lấy lại được động lực vào đầu thập niên 1990. Chuyến thăm đầu năm mới của Đặng Tiểu Bình đến miền Nam Trung Quốc năm 1992 đã mang lại cho các cải cách kinh tế một động lực mới. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 14 diễn ra vào cuối năm đó đã ủng hộ các biện pháp thúc đẩy đổi mới của chính sách cải cách thị trường, nêu lên nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc thập niên 1990 là tạo ra một nền "kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa". Việc duy trì tính liên tục của chế độ chính trị cũ nhưng lại cải cách táo bạo hơn về chế độ kinh tế đã được Đại hội lần thứ 14 công bố là đặc điểm của kế hoạch 10 năm trong thập niên 1990.

Xu hướng GDP từ năm 1952 đến năm 2012 của Trung Quốc.

Trong năm 1993, sản lượng của cải vật chất tăng nhanh và giá cả leo thang, đầu tư bên ngoài ngân sách Nhà nước tăng vọt cùng với sự mở mang kinh tế đã được kích thích từ việc thành lập các đặc khu kinh tế, chúng cũng tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế do có dòng chảy lớn của vốn đầu tư nước ngoài vào các đặc khu kinh tế này. Bắc Kinh đã phê chuẩn thêm những cải tổ dài hạn với mục tiêu để cho các thể chế định hướng thị trường có nhiều vai trò hơn đối với nền kinh tế và mục tiêu tăng cường kiểm soát hệ thống tài chính; các doanh nghiệp quốc doanh sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nhiều ngành then chốt, theo một mô hình được gọi là một nền "kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa". Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thu hồi các khoản vay đầu cơ, tăng lãi suất và đánh giá lại các dự án đầu tư. Tốc độ tăng trưởng nhờ đó đã được làm dịu lại và tỷ lệ lạm phát giảm từ hơn 17% năm 1995 xuống còn 8% đầu năm 1996. Cuối thập niên 1990, nền kinh tế Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng một phần của cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á, với tốc độ tăng trưởng chính thức 7,8% trong năm 1998, và 7,1% trong năm 1999. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lại tăng tốc một lần nữa trong đầu thế kỷ mới, đạt mức 9,1% năm 2003, 9,5% năm 2004 và 9,8% năm 2005.[24]

Tháng 12 năm 2005, Tổng cục Thống kê Trung Quốc[25] đã hiệu chỉnh tăng GDP danh nghĩa năm 2004 thêm 16,8% hay 2.336,3 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 281,9 tỷ USD), khiến cho Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới (vượt qua Ý với GDP khoảng 2.000 tỷ USD). Đầu năm 2006, Trung Quốc đã chính thức công bố nước này là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, tính theo dollar Mỹ, vượt qua PhápAnh. Đầu năm 2007, Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới về GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) với tổng giá trị GDP tính theo PPP là 10.000 tỷ USD. Mặc dù cách tính theo PPP như thế cần phải rất thận trọng vì chỉ gần đúng, đặc biệt là đối với một nước lớn như Trung Quốc, sức mua có một sự khác biệt rất lớn giữa các thành phố vùng duyên hải như Thượng Hải và các thành phố miền tây như Tứ Xuyên; và cách tính theo PPP này không đúng đối với các mặt hàng nhập khẩu và các mua sắm ở nước ngoài.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh_tế_Trung_Quốc http://www.ctvnews.ca/business/inflation-in-china-... http://www.chinadaily.com.cn/china/2007-01/02/cont... http://www.pbc.gov.cn/publish/html/kuangjia.htm?id... http://www.stats.gov.cn/english/ http://www.bluenomics.com/data#!data/energy/electr... http://www.businessweek.com/magazine/content/05_34... http://www.chinability.com/GDP.htm http://www.cnn.com/2005/BUSINESS/11/23/wto.germany... http://users.erols.com/mwhite28/warstat1.htm#Mao http://www.iht.com/articles/2007/01/11/bloomberg/b...